Tai nghe có thể bị hacker lợi dụng làm công cụ nghe lén
Trong khi có những ý kiến cho rằng việc đưa ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện là hạn chế tự do kinh doanh và có lợi ích nhóm thì nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất này nhằm đảm bảo an toàn và chính sách hậu mãi cho người tiêu dùng, đồng thời bảo hộ sản xuất trong nước.
Nhập khẩu ô tô: “Không phải có người, có tiền là được”
Góp ý kiến với ban soạn thảo về dự án luật chỉ sửa đổi bổ sung một phụ lục về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện là không hợp lý và hạn chế quyền tự do kinh doanh.
Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Quốc hội Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) thì ở đây không cấm mà chỉ đặt ra điều kiện. Theo đó, muốn đầu tư kinh doanh phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải đáp ứng được các điều kiện về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô; và khi các tổ chức, cá nhân đáp ứng được các điều kiện rồi thì hoàn toàn có quyền tự do kinh doanh, không gặp trở ngại gì.
Bày tỏ sự đồng ý về việc quy định ngành, nghề sản xuất, lắp ráp nhập khẩu ôtô là một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn phù hợp, ông Long cũng dẫn ra một loạt các lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.
“Rõ ràng chúng ta đều biết ôtô là ngành, nghề yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn tính mạng không chỉ của chủ phương tiện, gia đình người thân của họ mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông. Ôtô không phải hàng hóa tiêu dùng bình thường mà là loại hàng hóa đặc biệt. Việc tổ chức, lắp ráp xe ôtô cần có dây chuyền hiện đại, có đội ngũ kỹ sư trình độ cao, ngành này đòi hỏi quy mô, công nghệ tiêu chuẩn chứ không phải cá nhân nào cũng làm được”, vị đại biểu phân tích.
Tương tự, theo ông Long, việc nhập khẩu ôtô không phải có người, có tiền là mua một vài cái xe. Việc này cần quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người sử dụng và cộng đồng. Cần có hệ thống bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành thậm chí triệu hồi khắc phục sửa chữa lỗi nếu có theo đúng yêu cầu kỹ thuật chính hãng. Điều này, nếu không được xem xét thấu đáo, chắc chắn hệ lụy rất khôn lường.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cũng khẳng định, việc đưa ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, không những không vi phạm các cam kết quốc tế mà còn là một cơ hội cho chiến lược phát triển nền công nghiệp ôtô trong nước.
Hiện, Việt Nam chỉ còn hơn một năm để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh của công nghiệp ôtô trong nước. Nếu chính sách không rõ ràng, không ổn định, không nhất quán sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin. Các nhà sản xuất, lắp ráp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam để chuyển sang thị trường khác hoặc chuyển sang việc nhập khẩu. Như vậy, vô hình chung đã tiếp tục làm cho ngành công nghiệp ôtô trong nước ốm yếu hoặc chết yểu.
Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Đức Long cũng nhận định, với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế đã ổn định dần và phát triển thu nhập tăng dần, kinh nghiệm các nước cho thấy ngành công nghiệp ôtô là khá quan trọng. Nếu không sản xuất được ôtô trong nước, chúng ta sẽ phải dựa vào nhập khẩu, nhập siêu xe tăng lên. Trước mắt, sẽ ảnh hưởng đến khoảng trên 100.000 việc làm và khoảng 2% GDP. Ngược lại, nếu sản xuất được thì sẽ duy trì và phát triển rất nhiều ngành, đặc biệt các ngành phụ trợ, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và giảm nhập siêu.
Quan điểm này của ông Lưu Đức Long nhận được nhiều ý kiến tán thành của các đại biểu Quốc hội khác. Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, đối với ngành ôtô, Việt Nam không thể cho phát triển tràn lan để cạnh tranh thoải mái, cần cố gắng để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân.
“Đặc biệt dịch vụ bảo hành và hậu mãi, triệu hồi… tất cả điều đó đòi hỏi điều kiện hết sức đầy đủ chứ không phải là để nhập khẩu vào là thôi, mua hàng xong bị thả nổi, điều đó không tốt”.